Tiền lương chưa bao giờ là tất cả. Tuy nhiên, nó là điều kiện cần để một nhân viên quyết định họ sẽ ở lại hay rời đi. Vậy thì một công ty cần những yếu tố gì để giữ chân người lao động?
Lưu ý: nội dung trong bài viết này mang ý kiến chủ quan cá nhân.
Tiền Công Xứng Đáng (Paid Well)
Tiền công hay tiền lương là sự công nhận mà công ty dành tặng cho nhân viên của mình. Nên khách quan mà nói thì đây cũng là yếu tố tiên quyết. Nó khiến cho người đi làm lựa chọn ở lại hay rời đi. Vì sao lại như vậy? Thử nghỉ xem bạn đã chăm chỉ làm việc, nhưng đồng lương thì không đủ sống. Vậy thì bạn có còn muốn cống hiến không? Đồng lương phù hợp sẽ giúp cho nhân viên có quyết tâm hơn mà cống hiến. Ai cũng phải sống và nuôi gia đình của mình cả.
Được Cố Vấn (Mentored)
Không chỉ là công việc, mà người đi làm còn mong đợi nhiều hơn. Họ cần sự phát triển và học hỏi khi đi làm. Vì không phải đi làm là ngừng học. Nếu một công ty chỉ tập trung tìm người làm được việc thì có thể công ty đang đi lùi. Bởi vì, nhân viên không được cố vấn để phát triển tốt nhất tìm lực của bản thân. Từ đó đâm ra hoài nghi và chán nản, dẫn đến quyết định nghỉ việc.
Được Thử Thách (Challenged)
Dù muốn dù không, thì người lao động sau một thời gian làm việc họ sẽ trở nên thạo việc. Từ đó đâm ra tình trạng ỷ lại và có sức ý. Nó ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc. Thử thách liên tục và vừa phải để nhân viên luôn có sự thay đổi bản thân để thích nghi. Từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.
Được Thăng Tiến (Promoted)
Đối với nhiều người đi làm, điều này không quá quan trọng. Miễn là đủ lương thì họ sẽ vui vẻ mà làm. Nhưng, trong số đó sẽ có những người cần sự công nhận nhiều hơn từ tổ chức. Họ cần thấy rõ lộ trình trong 3 năm, 5 năm, hay xa hơn là 10 năm. Họ sẽ phấn đấu lên được vị trí nào trong công ty. Khi không có lộ trình thăng tiến rõ ràng, thì rất có thể họ sẽ quyết định rời đi.
Được Tham Gia (Involved)
Nhiều tổ chức có thể sẽ lờ đi yếu tố này. Miễn sao nhân sự làm tốt việc của mình là được. Tuy nhiên, sẽ là vấn đề nếu không cho người nhân viên tham gia vào những dự án quan trọng, dù họ đã ở công ty khá lâu. Thì rất có thể, họ cũng sẽ cân nhắc nghỉ việc. Vì sao lại như vậy? Vì khi quyết định gắn bó lâu dài, thì họ gần như coi công ty là tổ chức của mình. Nên họ muốn tham gia vào những dự án quan trọng để nâng phần trách nhiệm của bản thân.
Được Cảm Kích (Appreciated)
Không chỉ là khen ngợi và quà cáp đơn thuần. “Của cho không bằng cách cho” câu nói này của người xưa không bao giờ sai. Vì cho tặng bằng sự chân thành sẽ luôn là liều thuốc tốt nhất. Chân thành đổi lấy chân thành. Khi được trân trọng đúng cách, nhân viên sẽ không có lý do gì để mà rời bỏ tổ chức.
Được Tin Tưởng (Trusted)
Không mấy doanh nghiệp hay công ty có thể triển khai tốt yếu tố này. Sau thời gian cống hiến cho công ty, thì số ít nhân viên cũng sẽ có nhu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho tổ chức. Họ tự xung phong cho những dự án khó. Nếu doanh nghiệp không đáp lại bằng sự tin tưởng, thì lâu dần nhân sự sẽ không cảm thấy được tin tưởng mà rời đi.
Được Trao Quyền (Empowered)
Đồng hành với sự tin tưởng đó là khả năng trao quyền cho nhân viên cũng là yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc. Cho phép làm sai và sửa sai, cùng đồng hành để phát triển. Không người lao động nào mà không biết trách nhiệm khi được trao quyền và tin tưởng từ cấp trên cả.
Được Đánh Giá Cao (Valued)
Yếu tố này được coi là quan trọng nhất. Về bản chất con người chúng ta luôn cần được công nhận. Nếu không được công nhận, thì cống hiên là vô nghĩa. Và nếu làm điều vô nghĩa, chúng ta sẽ có xu hướng dừng lại. Không được đánh giá đúng, nhân sự sẽ cảm thấy hoài nghi. Họ sẽ hoài nghi bản thân, sau là hoài nghi tổ chức. Từ đó đưa ra những quyết định đáng tiếc như là nghỉ việc.
Tạm Kết
Mọi sự gắn bó đều dựa trên yếu tố tinh thần và vật chất. Được tin tưởng và trao quyền, nhưng việc thì quá nhiều. Đồng lương thì không đáp ứng được nhu cầu. Nhân viên sẽ không vui. Nên cân nhắc và cân bằng cả hai yếu tố. Từ đó tổ chức có thể đưa ra những chính sách tốt nhất cho nhân sự.